Click here to opt in to Alexa Certified Site Metrics. 6 BƯỚC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH CÁ NHÂN TỐI ƯU ~ Bùi Văn Hùng

6/04/2018

6 BƯỚC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH CÁ NHÂN TỐI ƯU

Việc thiết lập kế hoạch tài chính cá nhân đầu năm không chỉ giúp chúng ta chi tiêu khoa học hơn, mà còn thúc đẩy quyết tâm kiếm tiền trong cả năm.



1. Đặt ra các mục tiêu

- Mục tiêu về nhà cửa: Trong tương lai gần hoặc xa, bạn muốn chuyển đến ở một căn chung cư rộng hơn hoặc tích lũy mua một mảnh đất, hãy dành một khoản cho mục tiêu này.
- Mục tiêu về nhu cầu sống: Năm nay bạn muốn đi đâu du lịch, tận hưởng những thú vui giải trí gì, mua sắm thiết bị tiện ích gì. Số tiền dành cho các khoản này cũng cần được nghĩ đến.
- Mục tiêu về hưu: Cân nhắc nhu cầu của bạn khi về hưu, bạn sẽ về hưu một cách "xa hoa" như định kỳ đi du lịch hay giản dị như chỉ cần có khoản phòng bị khi ốm đau. Các chuyên gia từ CNBC khuyên rằng chúng ta nên dành 10 đến 15% thu nhập mỗi năm để dành làm quỹ hưu trí cho bản thân.
- Mục tiêu về học hành: Năm nay bạn sẽ gửi con đến trường nào, cho con học thêm gì. Không được để lẫn lộn khoản dành cho hưu trí với khoản tiết kiệm dành cho con cái lúc học đại học. Không phải đứa trẻ nào cũng đủ khả năng dành một khoản học bổng để đỡ tiền cho cha mẹ.

2. Ước lượng thu nhập trong năm

Bên cạnh các khoản chi thường xuyên, hãy liệt kê những thứ bạn có thể làm để gia tăng thu nhập. Nhìn chung có 3 nguồn cho thu nhập của bạn năm nay:
- Công việc chính: Các khoản lương, thưởng, làm thêm ngoài giờ trong năm dự kiến là bao nhiêu. Liệu bạn có được tăng lương trong tương lai gần.
- Kinh doanh thêm: Kế hoạch tài chính của bạn có thể bao gồm việc bắt đầu một công việc kinh doanh tại nhà, hoặc làm nghề tay trái dựa vào chính các sở thích hoặc điểm mạnh của bạn.
- Đầu tư: Đầu tư là hoạt động có thể khiến những khoản tiền nhàn rỗi của bạn tiếp tục sinh sôi. Bạn hãy xem các lời khuyên từ giới chuyên gia về việc năm nay nên đầu tư vào đâu, như chứng khoán, vàng, hay nhà đất, trái phiếu...

3. Liệt kê chi tiết các khoản thu, chi trong năm

Trước đây các bà nội trợ làm việc này thủ công. Nhưng hiện nay có rất nhiều phần mềm quản lý tài chính (miễn phí hoặc thu phí) giúp công việc theo dõi thu chi dễ dàng hơn. Trong bảng này, cần có tất cả các khoản thu nhập, khoản chi theo thời gian, theo mục. Những khoản nợ gốc và lãi, phí bảo hiểm, hóa đơn, tiền để dành nghỉ hưu, tiết kiệm đi học cho con.... cần được liệt kê đầy đủ. Qua đó, bạn sẽ dễ dàng biết mình đang bội chi hay bội thu sau mỗi tuần, mỗi tháng để kịp thời điều chỉnh.

4. Cân nhắc những thói quen tiêu dùng cần loại bỏ
Hãy xem ngân sách của bạn là một trọng tài và quyết định xem những khoản chi nào không cần thiết, lãng phí và nằm ngoài mục tiêu của bản kế hoạch tài chính. Ví dụ, bạn mua thẻ tập gym giá hàng triệu đồng mỗi tháng nhưng lại ít khi có thời gian đi tập thì cần hủy ngay.

5. Đặt khung thời gian để hoàn thành mục tiêu

Hãy chia mục tiêu thành các mục nhỏ hơn, bắt đầu từ các mục tiêu cần làm ngay (như thay mới tủ lạnh) sau đó là các mục tiêu xa hơn như mua nhà. Với các mục tiêu dài hạn, cần có khung thời gian ngắn hạn, dài hạn để hoàn thành từng phần mục tiêu.

6. Tuân thủ bản kế hoạch

Viết ra chưa đủ, bạn cần quyết tâm để làm theo những gì đã vạch ra. Tuy nhiên, nhớ rằng bạn kế hoạch này là mục tiêu, không phải là một quá trình. Nếu trong một năm, cuộc sống hay thu nhập của bạn có những thay đổi thì bạn cần cập nhật vào trong bản kế hoạch, và có những điều chỉnh để bản kế hoạch trở nên thực tế.
--------------------
Bùi Văn Hùng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét